Con ngöôøi khoâng theå baát hieáu cha meï
Khoâng theå nghòch Thaày phaûn ñaïo

hieuthantonsu.vn

ĐẠI A LA HÁN LÀ AI? THẬP ĐỊA BỒ TÁT

ĐẠI A LA HÁN LÀ AI?

THẬP ĐỊA BỒ TÁT

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Làm được mười sáu chữ ấy, tự tư tự lợi chẳng còn, tiếng tăm, lợi dưỡng chẳng có.

Ngũ dục lục trần cũng buông xuống, tham, sân, si, mạn mỏng nhạt, có nhập Phật Môn hay không?

Thưa quý vị, chưa nhập, tôi dẫn quý vị đến cửa ngõ, chưa nhập môn.

Quý vị phải biết, phải hiểu rõ: Nhập môn thì nhất định phải tuân thủ tiêu chuẩn của Thích Ca Mâu Ni Phật. Tiêu chuẩn của tôi thấp hơn Ngài, dẫn quý vị đến cửa ngõ.

Tiêu chuẩn của Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng thể biến đổi: Phải buông tám mươi tám phẩm kiến hoặc xuống, quý vị mới có thể nhập môn. Tám mươi tám phẩm ấy thuộc về chín địa vị trong tam giới.

Nhằm thuận tiện dạy học, tám mươi tám phẩm quá nhiều, quá rắc rối, Đức Thế Tôn đã quy nạp chúng thành năm loại lớn hòng dễ nói hơn: Loại thứ nhất trong năm loại lớn là thân kiến. Chúng ta luôn chấp trước thân này là ta, thứ kiến chấp này rất đáng ghét. Quý vị chấp trước có ta, khởi tâm động niệm, hết thảy tạo tác đều nhằm phục vụ ta, trật rồi.

Đức Phật bảo: Không có ta, thật sự không có ta, quý vị ngỡ là có ta sẽ hỏng bét. Một mê, hết thảy đều mê, mê đến cùng cực.

Vì vậy, đầu tiên phải hiểu thân chẳng phải là ta, thân là gì?

Thân là cái ta có, giống như quần áo. Quần áo chẳng phải là ta, nó mặc trên thân ta, ta có nó, phải hiểu rõ ràng quan niệm này. Ta mà còn phải buông xuống, huống gì những thứ ta có. Hễ buông xuống thứ này chấp ngã, năm thứ sau đều buông xuống rất dễ dàng.

Loại thứ hai là biên kiến, nay chúng ta gọi biên kiến là đối lập.

Ta còn chẳng có, đối lập với ai?

Đương nhiên chẳng có đối lập, quý vị còn có thành kiến nữa chăng?

Thành kiến cũng không có. Vì thế, nói thật ra, mấu chốt của tám mươi tám phẩm kiến hoặc là ta ngã. Sau khi đã phá ngã, thật sự buông xuống, biết vô ngã, giống như Thiền Tông Nhị Tổ Huệ Khả đến gặp Đạt Ma Tổ Sư, cầu Đạt Ma Tổ Sư an tâm cho Ngài.

Ngài tìm đến tổ Đạt Ma, tổ Đạt Ma nói: Ông đến tìm ta có chuyện gì?

Tâm con bất an, cầu Đại Sư an tâm cho con.

Đạt Ma Tổ Sư nói: Ông lấy tâm ra, ta sẽ an nó cho ông.

Một câu nói ấy nhắc nhở Ngài, quay lại tìm, chẳng tìm được, tìm nửa ngày rồi nói: Con tìm tâm trọn chẳng thể được.

Đạt Ma Tổ Sư nói: Dữ nhữ an tâm cánh, nghĩa là ta đã an cái tâm cho ông ổn thỏa rồi. Do một câu nói này, Nhị Tổ bèn đại triệt đại ngộ. Quý vị thấy người ta vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xuống, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật.

Tổ Đạt Ma truyền y bát cho Huệ Khả, đấy là vị Tổ đời thứ hai của Thiền Tông. Đấy là bậc thượng thượng căn, nhất thời đốn xả. Có thể đốn xả bèn đốn ngộ, mảy may vòng vèo cũng chẳng có.

Mấu chốt là có ta, tất cả hết thảy tội ác, nghiệp chướng đều từ đấy sanh ra, quý vị nói nó có đáng sợ lắm hay không?

Nếu thật sự có ta, thân thật sự là ta thì còn thông cảm được, quý vị vì nó mà tạo những nghiệp chướng ấy. Nó không có, căn bản là chẳng tồn tại. Đức Phật nói những lời ấy, kẻ bình phàm chúng ta rất khó tiếp nhận, rất khó lý giải, nhưng hiện thời, quả thật khoa học đã giúp đỡ Phật Giáo rất lớn.

Hiện thời trong ngành khoa học tiên tiến nhất, các nhà vật lý lượng tử học đã phát điều gì?

Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy, vô ngã, về căn bản không có ngã tồn tại. Nói tới nhục thân này, họ biết nhục thân chẳng phải là ta, nhục thân là huyễn tướng, chẳng thật, nhưng phải bỏ thì mới được. Chẳng thể bỏ, quý vị tạo nghiệp hằng ngày.

Trong Phật Pháp có chân ngã hay không?

Thưa quý vị, có. Minh tâm kiến tánh, chân ngã bèn hiện tiền.

Quý vị thấy trong tự tánh có bốn tịnh đức thường, lạc, ngã, tịnh, ngã có nghĩa là gì?

Ngã có nghĩa là chủ tể, tự tại.

Quý vị hãy nghĩ xem: Trên cái thân này có hai ý nghĩa ấy hay không?

Có chủ tể hay không?

Nếu thật sự có chủ tể, năm nào cũng là mười tám thì sẽ tốt đẹp lắm.

Vì sao con người có già, bệnh, chết?

Có thể làm chủ thì năm nào cũng là mười tám. Dân gian Trung Quốc tán thán Bồ Tát, Bồ Tát, Bồ Tát, niên niên thập bát Bồ Tát năm nào cũng mười tám, chẳng già.

Chúng ta có cách nào làm được hay chăng?

Nếu quý vị kiến tánh, quả thật chẳng có mảy may vấn đề nào, đúng là như vậy. Đạo lý này rất sâu, nếu giảng ra thì chẳng phải là hai giờ, ngay cả hai mươi bốn giờ vẫn giảng không xong, thật đấy, chẳng giả chút nào.

Do vậy, trong tự tánh có ngã, có chủ tể, thật sự tự tại, đắc đại tự tại, trên thân chúng ta chẳng tìm được định nghĩa này. Có chân lạc, có thường, thường là vĩnh hằng không thay đổi, lạc là vĩnh viễn chẳng khổ, lìa khổ là lạc, tịnh là vĩnh viễn chẳng nhiễm ô.

Huệ Năng Đại Sư kiến tánh đã báo cáo đơn giản, ngắn gọn với Hòa Thượng Ngũ Tổ Nhẫn, câu đầu tiên là: Nào ngờ tự tánh, vốn tự thanh tịnh, quý vị thấy trong ấy có tịnh, tức là tịnh trong bốn tịnh đức. Câu thứ hai là nào ngờ tự tánh, vốn chẳng sanh diệt, đó là thường, bất sanh, bất diệt, đó chính là thường. Nào ngờ tự tánh, vốn tự trọn đủ, đó là ngã.

Cuối cùng là có thể sanh vạn pháp, vốn tự trọn đủ, có thể sanh vạn pháp, đấy là tự tại. Vì vậy, hễ kiến tánh sẽ đạt được thường, lạc, ngã, tịnh, chúng thật sự có. Nhưng nơi thân phàm phu hoàn toàn không có, hữu danh vô thực, tìm bốn chữ ấy không được, đều là giả. Chúng ta chớ nên không biết điều này.

Sau đấy, mới biết chúng ta học Phật là học gì?

Mong đạt được gì?

Phải biết cách học ra sao?

Đây là một điều rất trọng yếu.

Chúng ta đọc lời chú giải tiếp theo: Tái giả, Phật Địa Luận lánh hữu tam nghĩa ngoài ra, Phật Ðịa Luận còn nêu lên ba nghĩa khác. Cũng là nói về sự thù thắng ấy, Phật Địa Luận nêu ra ba ý nghĩa. Thứ nhất là tối cực lợi căn, tức là căn tánh nhạy bén đạt tới mức cao tột nhất, Ba La Mật Đa chủng tánh, người Trung Quốc nói là bậc thượng thượng căn, mang ý nghĩa ấy.

Người thượng thượng căn nghe một, ngộ cả ngàn, hễ tiếp xúc bèn hiểu rõ, họ có cần học hay không?

Không cần, vì sao không cần?

Bậc thượng thượng căn là người kiến tánh, vì hết thảy các pháp là tâm tưởng, thức biến, Kinh Hoa Nghiêm nói là duy tâm sở hiện. Tâm ấy là chân tâm, là tự tánh, là tự tánh sanh, tự tánh hiện, duy thức biến. Quý vị hoàn toàn thông đạt, hiểu rõ tánh thức thì sáu căn tiếp xúc cảnh giới sẽ tự nhiên thông đạt, không cần học.

Ngài A Nan kết tập Kinh Tạng, có thật sự cần phải nghe Thích Ca Mâu Ni Phật phức giảng hay chăng?

Chẳng phải.

Ngài phức giảng như thế nào?

Ngài đã kiến tánh, chỉ cần quý vị nói Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng một bộ Kinh nào đó, Ngài bèn biết toàn bộ, chẳng nghe cũng biết, chẳng học cũng biết. Tánh là cùng một tánh, tướng là thiên sai vạn biệt, nhưng tánh là một. Vì thế, học Phật giống như tựa đề bộ Kinh này rất hay, hoàn toàn viết ra nhân quả của sự minh tâm kiến tánh.

Nhân là gì?

Thanh tịnh bình đẳng giác.

Bất luận tu học pháp môn nào, tám vạn bốn ngàn pháp môn, Hiển Giáo, Mật Giáo, Tông Môn, Giáo Hạ, tu gì?

Tu thanh tịnh, tu bình đẳng, tu giác. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp là phương pháp, tu phương pháp thanh tịnh bình đẳng giác, môn là môn đạo đường lối, môn kính đường nẻo, phương pháp tu hành, đường lối vô lượng vô biên.

Trong Tứ hoằng thệ nguyện có nói: Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, đúng là chẳng giả tí nào.

Thưa chư vị, trong Kinh Bát Nhã, Đức Phật đã nói: Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp, bất luận một môn nào.

Vì sao?

Đều do tự tánh hiện, tâm sanh, tâm hiện, đều do thức biến. Vì vậy, chúng bình đẳng.

Nói cách khác, bất luận một môn nào, quý vị chỉ tìm được năng sanh, năng hiện, năng biến của nó, chẳng phải là quý vị thành Phật ư?

Từ hết thảy các pháp tướng, chúng ta thấy chúng là sở sanh, sở hiện, sở biến, quý vị tìm được cội nguồn của chúng, chúng do đâu mà có, tìm được cái năng sanh, năng hiện, năng biến rồi, năng biến là A lại da, năng sanh, năng hiện là tự tánh, chẳng phải là đã kiến tánh ư?

Đó là nội học. Tìm bên ngoài sẽ vĩnh viễn chẳng tìm được, Đức Phật gọi kẻ tìm bên ngoài là ngoại đạo, phương hướng sai lầm. Hãy hướng vào trong mà tìm, tìm bên ngoài sẽ vĩnh viễn chẳng tìm được. Vì thế, người hễ quay đầu, căn tánh bèn nhạy bén, người Trung quốc nói đó là trí huệ thượng thượng, là chủng tánh Ba la mật đa.

Thứ hai, đắc vô học quả vị. Quả vô học là A La Hán, ở đây, Kinh nói là Đại A La Hán, quả vô học này chẳng phải là tiểu thừa A La Hán, mà là Đại A La Hán.

Đại A La Hán là ai?

Thập địa Bồ Tát. Trong đại thừa, Thập địa Bồ Tát được gọi là vô học, trong tiểu thừa A La Hán là vô học. Thập địa Bồ Tát thù thắng lắm.

***